Ngày 26/9/2023, Mạng lưới Tự kỷ đã tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập và xây dựng định hướng hoạt động tại Khách sạn La CaSa, số 17 Phạm Đình Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Buổi họp mặt đã thu hút Lãnh đạo các Ban Ngành thuộc Bộ Giáo Dục, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam, Liên Hiệp hội về Người Khuyết tật, Trung tâm Sáng kiến Dân số và Sức khỏe … và gần 200 nhà khoa học, lãnh đạo các Hội ở các tỉnh thành, khách mời Hội Tự kỷ các nước Châu Á và các chuyên gia trong và ngoài nước tham gia. Buổi Tọa đàm nhằm ôn lại lịch sử 10 năm thành lập của VAN và thảo luận những vấn đề chú trọng phát triển trong những năm tiếp theo của VAN tại Việt nam.
Ở lễ khai mạc, Bà Phạm Thị Kim Tâm phát biểu khai mạc và ôn lại lịch sử 10 năm quá trình hoạt động của VAN và những nét son mà VAN đã trải qua trên con đường kết nối các bậc phụ huynh, nguồn lực xã hội, đào tạo nhân lực để phục vụ cho các hoạt động sàng lọc, chẩn đoán, hòa nhập trẻ tự kỷ vào cộng đồng.
Buổi Tọa đàm được tổ chức ngay sau đó nhằm định hướng hoạt động của Mạng lưới trong những năm tiếp theo với sự đóng góp và chia sẻ ý kiến từ nhiều các chuyên gia trong và ngoài nước. Buổi tọa đàm cũng thống nhất quan điểm trong việc kêu gọi xã hội quan tâm đến các đối tượng Tự kỷ nhiều hơn nữa, chú trọng hơn đến hoạt động sàng lọc sớm để xác định sớm các trường hợp là tự kỷ, từ đó thêm cơ hội hòa nhập cho các trẻ tự kỷ, giảm nhẹ gánh nặng cho xã hội.
Trường Đại học Lạc Hồng có thầy ThS. Trần Văn Thành được mời tham dự trình bày trong Buổi Tọa đàm. Với lợi thế có những nghiên cứu tiên phong về Trí tuệ Nhân tạo ứng dụng trong Sàng lọc sớm trẻ Tự kỷ, đại diện đến từ Trường Đại học Lạc Hồng trình bày báo cáo về một số kỹ thuật sàng lọc sớm sử dụng trí tuệ nhân tạo và giới thiệu đến buổi Tọa đàm phần mềm do thầy phát triển hỗ trợ sàng lọc sớm trẻ Tự kỷ dựa trên hình ảnh.
Phần trình bày ở buổi Tọa đàm của đại diện đến từ Lạc Hồng mang lại sự ngạc nhiên đầy phấn khích cho người tham dự vì đã sử dụng kiến thức của các chuyên gia trong lĩnh vực sàng lọc - chẩn đoán kết hợp với sự phát triển về công nghệ trong việc hỗ trợ được đối tượng Tự kỷ. Báo cáo kết quả nghiên cứu tại buổi Tọa đàm là một điểm nhấn của một trong những hoạt động thiết thực của đội ngũ Giảng viên trường Đại học Lạc Hồng trong việc ứng dụng Khoa học trong Phục vụ cộng đồng. Thành công bước đầu của nghiên cứu mang lại cho cộng đồng tự kỷ một hy vọng, là cầu nối giữa Lạc Hồng với các Nhà Khoa học nghiên cứu về Tự kỷ ở trong và ngoài nước.
Lãnh đạo Bộ Giáo Dục, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam, Cục trẻ em - Bộ Lao Động Thương Binh và Xã Hội tham gia buổi Tọa đàm
Bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang - Đại học Y Dược HCM, chia sẻ về Chẩn đoán Trẻ Tự kỷ.
TS Ryuhei Sano, trình bày chia sẻ về việc phát triển VAN 10 năm qua
ThS Trần Văn Thành - báo cáo tại buổi Tọa đàm