Tin tức & Sự kiện

Khóa huấn luyện trải nghiệm thực tế Khoa QT-KTQT Năm 2012 (Đội 1 - Kỳ 1)

KHÓA HUẤN LUYỆN TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ KHOA QUẢN TRỊ KINH TẾ QUỐC TẾ NĂM 2012

(Đội 1 - Kỳ 1)

     Nhằm thực hiện chương trình, mục tiêu hoạt động năm 2012, chào mừng ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước 30/4 và ngày Quốc tế lao động 01/05. Đồng thời nâng cao kỹ năng sống và củng cố nghiệp vụ Đoàn hội cho cán bộ Đoàn hội trực thuộc Ban chấp hành Đoàn Hội sinh viên Khoa QT- KTQT, các cá nhân đoàn viên, hội viên sinh viên ưu tú. Vừa qua, vào ngày 12/04/2012 Ban chấp hành Đoàn Hội sinh viên Khoa QT- KTQT đã tiến hành  tổ chức Khóa huấn luyện trải nghiệm thực tế tại bãi biển 30/4 khu du lịch biển Cần Giờ.

     Tham gia khoá huấn luyện lần này có 24 đồng chí, trong đó BCH đoàn hội sinh viên khoa có 17 đồng chí, 7 đồng chí là sinh viên ưu tú từ các khoá 10, 11. Ban tổ chức đã chia thành 4 đội, mỗi đội 6 thành viên gồm 1 giám sát, 1 đội trưởng và 4 đội viên.

     Trải qua 2 ngày tham gia lớp tập huấn, các bạn sinh viên đã được trải nghiệm thực tế thông qua các nhiệm vụ được giao từ ban tổ chức như :

·        Thực hiện tại TP. Biên Hòa: Thăm và chụp ảnh lưu niệm với ít nhất 02 lãnh đạo của 02 doanh nghiệp thuộc các chuyên ngành: Quản trị kinh doanh, Ngoại thương, Quản trị luật, Quản trị nhà hàng khách sạn.

·        Thực hiện tại TP.HCM: Thuyết phục 30 người đang hút thuốc để họ  từ bỏ điếu thuốc đang hút.

·        Thực hiện xuyên suốt: Tập sự kinh doanh với số vốn đầu tư là 100,000 VNĐ và thu về lợi nhuận 100,000VNĐ

·        Thực hiện tại Cần Giờ: thương lượng giá cả, tìm hiểu 1 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tại Cần Giờ

     Sau đây là một số hình ảnh trong suốt quá trình tập huấn của đội 1:

*** Ngày 12 tháng 04 năm 2012

- Trải nghiệm thứ nhất: kinh doanh với số vốn 100.000đ: đội 1 kinh doanh sữa đậu nành tại trường tiểu học Nguyễn Khắc Hiếu. 

Hình 1: Thực hiện trải nghiệm thực tế thứ nhất Kinh doanh sữa đậu nành 

Hình 2: Cả đội luôn nhận được sự ủng hộ từ các bạn học sinh 

Hình 3: Đội cũng đã nhận được sự ủng hộ của người dân 

Hình 4: Toàn đội chụp hình trước khi thực hiện nhiệm vụ tiếp theo

- Trải nghiệm thứ hai: Thăm và chụp ảnh lưu niệm với hai doanh nghiệp tại TP. Biên Hoà.

     Có thể nói đây là 1 nhiệm vụ khó đối với đội, nhưng bằng sự cố gắng và không nản lòng toàn đội đã đoàn kết hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất.

Hình 5: Toàn đội chụp hình với chị Nguyễn Thị Lệ Quyên - giám sát viên ngân hàng EXIMBANK Khu vực phường Tân Tiến

Hình 6: Toàn đội chụp hình với Anh Lê Đình Chiến – Trưởng phòng WESTERN BANK chi nhánh Đồng Nai

- Trải nghiệm thứ ba: Thuyết phục 30 người đang hút thuốc để họ từ bỏ điếu thuốc đang hút tại chợ Bến Thành TP. HỒ CHÍ MINH.

Hình 7: Bạn Thùy Trân – Đội trưởng đội 1 đang thuyết phục để xin điếu thuốc đầu tiên

Hình 8: Các đội viên đang cố gắng thuyết phục một du khách người Nhật

Hình 9: Sau khi thuyết phục bằng kiến thức ngoại ngữ được học ở trường, các bạn đã khiến du khách này ngạc nhiên và tự nguyện từ bỏ điếu thuốc đang hút.

Hình 10: Đây là 1 du khách người pháp, đội trưởng  Thùy Trân đã gặp rất nhiều khó khăn khi trình bày ý kiến của mình

Hình 11: Sau khi vượt qua được rào cản về ngôn ngữ, bạn Trân đã khiến vị du khách nữ này tự nguyện từ bỏ điếu thuốc đang hút.

Hình 12: Sự nổ lực của các thành viên đội để hoàn thành nhiệm vụ thứ ba

Hình 13: Mặc dù là giờ nghỉ trưa, nhưng anh nhân viên văn phòng này vẫn thoải mái đưa điếu thuốc đang hút dở của mình

Hình 14: Bạn sinh viên này cũng phải từ bỏ điếu thuốc sau khi nghe những lời thuyết phục hợp lý .

     Sau khi hoàn thành nhiệm vụ thứ ba tại thành phố Hồ Chí Minh, toàn đội di chuyển về Huyện Cần Giờ

Hình 15: Toàn đội chụp hình lưu niệm với Anh Huỳnh Thúc Hiếu – Tổng phụ trách khóa huấn luyện tại điểm tập kết

- Nhiệm vụ yêu cầu của đội 1 là xây dựng chương trình lửa trại .

Hình 16: Tộc trường Trung béo nhí nhảnh, người mang nguồn cảm hứng cho đêm lửa trại.

Hình 17: Lửa đã cháy lên, mọi người cùng hò reo theo ánh lửa bập bùng.

Hình 18: Tộc trưởng đang làm lễ tế thần ánh sáng (vật tế là ....)

Hình 19: Mọi người cùng nhảy múa, hoà theo tiếng nhạc sôi động.

Hình 20: chương trình lửa trại kết thúc, mọi người ngồi chia sẻ những điều đúc kết được trong ngày đầu tiên của khoá tập huấn.

*** Ngày 13 tháng 04 năm 2012

- Trải nghiệm thứ tư (trải nghiệm cuối cùng): Tìm hiểu một địa điểm di tích lịch sử , danh lam thắng cảnh tại Cần Giờ. 

Hình 21: Toàn đội chụp hình trước cổng khu di tích Đảo Khỉ - Cần giờ

Hình 22: Những cánh rừng đước, rừng dừa này đã tạo nên một chiến khu “ Rừng Sác” với nhiều chiến công lẫy lừng .

     Rừng sác thuộc miền Đông Nam bộ, Bắc giáp Nhơn Trạch (Đồng Nai), Đông giáp Phước Tuy (Bà Rịa), Tây giáp Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Nam giáp biển Đông. Rừng Sác có diện tích 710 km2, giới hạn bởi sông Soài Rạp và quốc lộ 15 chạy dài từ Sài Gòn ra biển. Cả vùng chỉ có đường 19 đi từ kho bom Thành Tuy Hạ vòng qua khu lòng chảo thuộc Nhơn Trạch đến các xã Vũng Gấm, Soài Minh, Ông Kèo. Ven biển có một đoạn đường dài 13km nối Cần Giờ với Đồng Hòa. Do vậy, việc đi lại ở Rừng Sác rất khó khăn, phần lớn phải dựa vào đường thủy vì ở đây có vô số sông ngòi chằng chịt. Cuộc sống của đồng bào Rừng Sác rất khổ cực. Bọn xâm lược và bè lũ bán nước chẳng những không mang lại cho người dân lợi ích nào, trái lại còn gây bao khổ nhục, tai họa, nên từ thời đánh Pháp, nhân dân ở đây đã đi theo Đảng. Cần Giờ và Rừng Sác là nơi sống và chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ..

     Lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên có mặt tại Rừng Sác là lực lượng Bình Xuyên mà thủ lĩnh là Dương Văn Dương, năm 1948 phát triển thành trung đoàn đầu tiên của miền Đông Nam Bộ. Năm 1950, có một số đội biệt động của Trung đoàn 300 hoạt động hai chân từ khu vực Nhà Bè đến Rừng Sác. Năm 1964, Công binh Cục tham mưu Miền cử một tiểu đội công binh chuyên đánh thủy lôi về hoạt động ở Rừng Sác. Năm 1966, Bộ Chỉ huy Miền quyết định thành lập Đặc khu Quân sự Rừng Sác mang mật danh T10, sau đổi thành Đoàn 10.

     Thời kỳ chống Pháp, tại căn cứ Rừng Sác có một số đơn vị đóng quân trong nhà dân, đình miếu, và trong rừng. Nhà sàn kháng chiến nối nhau qua cầu khỉ, thấp thoáng trong rừng cây nước mặn. Nhà sàn giống như nhà dựng ở Tháp Mười, nhà lá trung quân. Những đường cầu chà là dài dằn dặc lao qua những đám lá tối trời, nối liền từ gò nổi này sang cù lao kia. Hầm trú ẩn đấp nổi, cao khoảng 1,5m.

     Trong thời chống Mỹ, với địa bàn sông nước, thủy triều lên xuống hai lượt mỗi ngày đêm, quanh năm mặn đắng sình lầy, sông rạch chằng chịt, nên toàn bộ căn cứ phải dựng trên sạp đước, sạp chà là; làm cầu sàn nổi trên mặt nước để ăn ở và họp hành. Hầm hố thì chặt gỗ làm sườn, khung chắc chắn xong đắp bùn lên cao khỏi mặt nước để phòng chống phi pháo, đạn bắn thẳng của tàu chiến trên sông. Trong thời kỳ giặc đánh phá ác liệt không còn ghe xuồng nào nguyên vẹn, khi hành quân mỗi người nhất thiết phải có đôi giày vải cao cổ để chống lại gai chà là, rễ đước. Khi thủy triều dâng cao cứ hai người căng tấm ni lông choàng mưa ra, chất súng đạn, bòng bị ra, mỗi người nắm một đầu nhanh chóng bơi qua rạch, leo lên sình lầy, rũ tấm choàng cột vào thắt lưng, vác súng mang bòng hành quân tiếp.

     Qua hai thời kỳ kháng chiến, các đơn vị đã đóng quân rải rác trong khu Rừng Sác. Do quân thù đánh phá nên các đơn vị luôn phải di chuyển, ít khi đóng cố định ở một địa điểm trong một thời gian dài. Khi đi, toàn bộ khu căn cứ bị phá hết. Giai đoạn ác liệt 1969-1972, bộ đội đặc công Rừng Sác phải sống trên cây, không có nhà cửa. Thậm chí rừng cây còn bị Mỹ - Ngụy rải chất độc cho trụi lá. Sau năm 1975, nhân dân và bộ đội biên phòng Cần Giờ đã tích cực trồng cây, tái tạo rừng và vùng đất cằn khô.

     Chiến khu Rừng Sác là căn cứ của đơn vị anh hùng đóng trên địa bàn của một huyện anh hùng, nhân dân anh hùng, tiêu biểu cho một dân tộc anh hùng. Di tích căn cứ Rừng Sác – Cần Giờ được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia trong năm 2005.

     Nhiệm vụ cuối cùng đã hoàn thành đồng nghĩa với khoá tập huấn đã kết thúc, trải qua 2 ngày với những nhiệm vụ trải nghiệm thực tế đã để lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc, những bài học quý báu. Chúng tôi đã học được nhiều kĩ năng thực tế, nhưng cái mà chúng tôi cảm thấy rõ nhất, đó là tình đoàn kết – gắn bó. Bắt đầu chuyến đi chúng tôi là những người chưa có nhiều điểm chung, nhưng bây giờ giữa chúng tôi là tình bạn bè, tình anh em, xen vào đó còn là tình đồng chí. Xin cảm ơn khoa Quản Trị Kinh Tế Quốc Tế Trường đại học Lạc Hồng đã tổ chức và tạo điều kiện cho chúng tôi tham gia khóa huấn luyện này.

Khoa Quản Trị KTQT

      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        14,110,600       2/521